Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Tại sao Việt Nam cùng lúc ký nhiều FTA? Nhiều Hiệp định được triển khai đồng thời liệu có sự chồng chéo? Nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích gì, gặp phải rào cản nào từ các FTA? Mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về FTA ra sao?, v.v... Những câu hỏi này đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam giải đáp trong Chương trình Tọa đàm "Việt Nam tham gia các FTA" của Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 20/3 vừa qua.
Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng trong thời gian tới

Cho đến thời điểm hiện tại, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương của Việt Nam đã và đang có hiệu lực, đã và đang tác động đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp, đến người dân. Từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu với các nền kinh tế thế giới khi các FTA phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam sẽ đồng thời tham gia một số FTA mới với mức độ tự do hoá cao hơn như TPP, Việt Nam - EU, v.v… Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 6 Hiệp định manh tính khu vực gồm các Hiệp định: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand. Hai Hiệp định còn lại là 2 hiệp định song phương với Nhật Bản và Chile. Các Hiệp định tập trung chủ yếu ở Đông Á và có 6 Hiệp định ASEAN với đối tác bên ngoài. Trong đó, có 2 Hiệp định cơ bản hoàn tất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan và với Hàn Quốc đang tiến hành rà soát pháp lý để ký kết chính thức. Còn Hiệp định với Liên minh châu Âu đã đạt một số kết quả khả quan, cụ thể hóa và kết thúc đàm phán trong thời gian tới.

Thương mại điện tử | Bộ công thương 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc mở cửa nền kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, đơn cử khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ trở thành một thành tố của chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, FTA giúp Việt Nam cơ cấu, cân bằng thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường nào đó, giúp doanh nghiệp (DN) có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi xâm nhập vào một số thị trường quan trọng như: Hoa Kỳ, EU, v.v… Ngoài ra, các FTA mới còn là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Việt Nam đã ký 8 FTA nhưng 8 Hiệp định này không tác động nhiều bằng việc gia nhập WTO do không đặt ra yêu cầu về thay đổi pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều thể chế, môi trường kinh doanh. Khi môi trường kinh doanh được hoàn thiện, kết hợp cùng cơ hội mới sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo ra năng lực sản xuất mới. FTA cũng giúp Việt Nam kiện toàn bộ máy Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như trách nhiệm của quan chức Nhà nước.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì nhấn mạnh, chưa bao giờ Việt Nam nỗ lực tham gia FTA như hiện nay. Sự nỗ lực này khẳng định ý chí, tinh thần Việt Nam, dù gặp không ít khó khăn. Đây là tiến trình rất tích cực. Tham gia vào FTA tức là sẵn sàng hội nhập, đương đầu thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý: Tham gia FTA, nền kinh tế nói chung, DN nói riêng sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ đặc biệt là chi phí tăng do phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế từ tầm vĩ mô cho đến DN.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đứng ở góc độ doanh nghiệp cho rằng, không thể không hội nhập, bởi trong kinh doanh không có rủi ro thì không có lợi nhuận. Khi tham gia các FTA, DN Việt sẽ được mở thêm nhiều cánh cửa cho thị trường xuất khẩu. Mà đối với một nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam thì việc mở rộng thị trường rất quan trọng. Ông Lê Tiến Trường bày tỏ quan điểm, sau khi gia nhập WTO năm 2006, cơ hội tăng trưởng không còn nhiều. Do đó, các FTA là cơ hội mới đối với DN. FTA là cơ hội dịch chuyển, động lực tiếp tục phát triển DN, tạo ra cơ hội mới để DN lao vào cạnh tranh. Trong quá trình này, DN nào tận dụng được lợi ích sẽ vượt lên. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thành công dù đều bỏ ra chi phí. Việc hội nhập còn được ví như một cuộc chơi mà ở đó, quá trình sàng lọc diễn ra vô cùng khắc nghiệt và điều đó bắt buộc các DN phải đổi mới trong tư duy và cả trong cách thức kinh doanh.

Tham gia các FTA sẽ tạo lực đẩy cùng chiều đối với nền kinh tế

Đánh giá về sự chuẩn bị của DN Việt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tin tưởng các DN Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt, đặc biệt trong xuất khẩu (XK). Ví dụ, sau khi có Hiệp định, XK của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng khoảng 38%/năm. Đối với thị trường Nhật Bản, sau khi ký FTA thì Việt Nam - Nhật Bản đã cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí ở một số thời điểm nước ta còn xuất siêu. Với các FTA mới việc gia tăng quy tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động của mình. Việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực đến kim ngạch XK, giúp giảm dần việc nhập siêu. Đơn cử như ngành dệt may, chỉ sau 5 năm gia nhập WTO, thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ mức dưới 3% lên 10%, chủ yếu là lấy được thị phần của Trung Quốc.


Tuy nhiên, hai lĩnh vực sẽ gặp khó là sản xuất nông nghiệp và mua sắm công. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp không dễ chuyển dịch cơ cấu. Thậm chí, khi kinh tế phát triển, chi phí nhân công cao thì sức cạnh tranh ngành nông nghiệp càng yếu đi. Đây cũng là lí do các nước phát triển còn có những chính sách bảo vệ nền nông nghiệp nước nhà mạnh mẽ hơn cả ở các nước đang phát triển.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, nói nông nghiệp gặp khó không có nghĩa là không có bài toán tháo gỡ cho nông nghiệp, bởi phải ghi nhận, nhờ có hội nhập, Việt Nam mới có thể trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, điều, cà phê, v.v… Đối với mua sắm công, đàm phán cố gắng mở cửa lĩnh vực này theo lộ trình và có bước “đệm” để DN thích nghi dần.

Chính vì vậy, không nên quá lo ngại việc một loạt các FTA ký kết thời gian qua sẽ làm cho chính sách về kinh tế bị phân mảnh, bởi lẽ Việt Nam có nguyên tắc đàm phán để đạt được lợi ích gì? Chấp nhận tới đâu và lộ trình thế nào? Quan trọng hơn là khi tham gia các FTA sẽ tạo ra lực đẩy cùng chiều với việc cải cách kinh tế trong nước và đặc biệt là Việt Nam đưa ra yêu cầu là phải kiểm soát được việc hội nhập.

Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Mặc dù năng lực cạnh tranh còn thấp và phần lớn là DN vừa và nhỏ nên khi tham gia một cuộc chơi lớn rất dễ bị tổn thương. Tuy vậy, nếu đi vào từng thị trường, cơ hội chiến thắng sẽ được chia đều và xét về tổng thể thì việc hội nhập là cách tốt nhất để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Lê Tiến Trường chia sẻ, sẽ không có một bài giải chung cho DN để thích ứng với mở cửa, bởi mỗi DN phục vụ cho một kiểu khách hàng, có những mục tiêu riêng. Các FTA là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, do vậy nếu không mở cửa và hội nhập sẽ hết cơ hội để mở rộng thị trường. Riêng ngành dệt may có trên 6.000 doanh nghiệp, cuộc chiến có thắng có bại nhưng đó là quy luật thị trường; là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, qua đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn.

(Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét